Mai thuộc loại kiểng hoa nhưng nó cũng có thể tạo thành kiểng dáng, kiểng thế hoặc bonsai đều rất đẹp, ít có loại cây nào được như thế, trồng mai người ta thường để ý đến hoa nhiều hơn. Để có cây mai đẹp chưng trong các ngày đầu Xuân ngoài việc chăm sóc, tạo dáng thế thích hợp thì việc chăm sóc để chuẩn bị cho hoa nở vàng trong các ngày Tết là việc phải làm cả năm mới quyết định.
Mai cũng như các loại cây khác, nó phát triển phụ thuộc rất nhiều vào thời tiết mà thời tiết lại phụ thuộc phần lớn vào chu kỳ trái đất quanh quanh mặt trời, nói cách khác chăm sóc mai phải dựa vào dương lịch mới chính xác nhưng Tết Nguyên Đán lại căn cứ vào âm lịch . Chúng ta để ý xem nếu mai trổ rộ nhằm vào tiết lập xuân thì hoa trổ nhiều và đẹp tươi hơn nở các thời điểm khác. Việc nầy rất khó cho người chăm sóc mai (ncsm) nhất là gặp năm nhuần như năm nay thì tiết lập xuân rơi vào ngày 4 tháng 2 dương lịch mà Tết lại là ngày 14 tháng 2 dương lịch . Như vậy năm nay để điều khiển hoa nở ncsm phải có biện pháp điều chỉnh phân bón, nước tưới,bộ lá hợp lý mới đạt kết quả cao được (không nói đến yếu tố thời tiết bất thường).
>>cây mai rễ gì ?rễ cây mai rễ cọc hay rễ chùm thuộc rễ gì? Đặc tính của cây mai Vàng và xem giá mai vàng
Quan sát công việc của nhà vườn, ta thấy họ làm theo một quy trình nhất định (do thói quen họ không gọi là quy trình ) tháng nào làm việc gì đều như có lịch cả. Trong bài nầy tôi đề nghị một quy trình chăm sóc mai cho cả năm để các bạn tham khảo và khi thực hiện thì tự điều chỉnh cho hợp hoàn cảnh địa lý nơi ở của mình. Tôi tạm chia công việc làm 6 giai đoạn, mỗi giai đoạn có 2 tháng âm lịch. Chủ yếu công việc trình bày ở đây trên cây mai trồng trong chậu.
1-Công việc tháng giêng và tháng hai (giai đoạn hồi sức):
Mai được chưng trong nhà nhiều ngày bị thiếu ánh sáng , lá có màu xanh lợt, có khi người chưng quên không tưới nước lại đổ bia, nước ngọt vào gốc, vì vậy mai bị mất sức (nếu không gọi là kiệt sức) rất nhiều nhất là sau giai đoạn cây phô hết nội lực của mình ra khi trỗ hoa , nên việc đầu tiên của ncsm là phải “hồi sức” cho mai bằng cách:
-Đưa chậu mai ra ngoài sân nới có bóng mát và thoáng (để cây dưới nắng sẽ bị cháy lá)
-Sau những ngày Tết hoa vẫn chưa tàn hết hoặc còn một số nụ chưa nở dùng kéo cắt tất cả hoa trên cây, kể cả hoa đã nở và hoa chưa nở để nhựa tập trung nuôi cây thay vì nuôi đài hoa tạo hạt.
– Pha phân Urê thật loãng (1 muỗng caphê nhỏ pha với ít nhất 8 lít nước) tưới trên cây từ ngọn xuống đất cho ướt cả cây, hoặc có thể dùng thuốc kích thích chồ, lá phun đều trên cây) Công việc nầy chỉ thực hiện vào buổi chiều trời thật mát. Mỗi tuần tưới một lần Chưa vội xả tàn lúc nầy.
– Từ rằm tháng giêng trở đi nếu cây sung lại ta có thể xả bớt 1/3 tàn , nhất là những cành bị nấm, sâu bệnh mọc chéo phải cắt đi hết. Chú ý không nên cắt một lúc hết lá trên cây làm cho sự hô hấp và quang hợp bị gian đoạn cây lại bị mất sức lần nữa. Các bạn chú ý là các cành phía trên thường non hơn các cành bên dưới lại nhận được ánh sáng (quang hợp) nhiều hơn nên cành phía trên phát triển mạnh hơn cành bên dưới, vì thế khi tỉa cành thì những cành bên dưới không nên cắt ngắn quá , vì như thế cành bên dưới chưa phát triển bao nhiêu thì bị cành phía trên che hết rồi . Nguyên tắc tỉa cành chung là “dưới dài-trên ngắn” Công việc tỉa thêm cành ta có thể ngấm nghía rồi thực hiện từ từ trong tháng giêng cũng được.
-Trong đầu tháng hai nếu cây trồng trong chậu có rễ ra bít hết chậu thì phải thay đất mới cho cây , nếu mai trồng bằng hổn hợp xơ dừa, tro trấu thì các bạn có thể đưa mai ra khỏi chậu, dùng dao bén gọt bớt các rễ già xung quanh chậu (rễ già có màu nâu sậm và hơi khô) , sau đó đưa cây lại vào chậu và bổ sung chất trồng hổn hợp. Nếu mai trồng bằng đất thịt thì dùng cái bay nhỏ moi xung quanh chậu sâu xuống phía dưới chậu, chặt bớt rễ già quanh chậu bỏ bớt đất và rễ đi, đưa đất thịt (trộn thêm xơ dừa) vào thay phần đất cũ. Chú ý là không nên bón phân lúc nầy vì rễ bị chặt mất nên khả năng hấp thụ kém, chất dinh dưỡng sẽ theo nước tưới ra ngoài.Muốn vô phân ít nhất phải nữa tháng nữa mới thực hiện. Trong trường hợp cây chưa cần phải thay đất, ta có thể bón phân cho cây lúc nầy.
Trong giai đoạn nầy vì trời miền Nam nắng nhiều nên phải chú ý tưới nước ít nhất mỗi ngày 2 lần cho chậu trồng bằng chất trồng hổn hợp và một lần cho chậu trồng bằng đất thịt. Quan sát trên mặt chậu thấy đất khô mới tưới và cũng đặc biệt chú ý đây là giai đoạn bọ trỉ hoạt động nên phun thuốc ngừa hoặc quan sát thường ngày nếu thấy có hiện tượng bọ trỉ tấn công phải phun thuốc ngay.
2-Công việc tháng ba và tháng tư (giai đoạn ổn định):
Ta biết ở miền Nam trời sẽ có những cơn mưa vào cuối tháng ba (âl), từ sau những cơn mưa đầu mùa, mai bắt đầu phát triển mạnh. Để chuẩn bị đủ dinh dưỡng cho mai phát triển thì ngay từ đầu tháng ba ta nên bón phân cho mai nhất là phân hữu cơ như bánh dầu, Dynamix Lifter, hoặc phân chuồng để có đủ thời gian cho phân giải phóng chất đạm cung cấp cho cây . Nếu bón phân vô cơ thì chậm hơn khoảng sau 20 tháng 3 cũng được. Khi những cơn mưa đầu mùa làm mát dịu không khí nếu mưa kèm theo nhiều sấm sét ( sấm sét tổng hợp chất đạm cho đất) thì mai bung tược rất nhanh, rễ non cũng phát triển mạnh. Cây cần lượng dinh dưỡng lớn, nếu có đủ chất thì chồi non sẽ vượt nhanh làm nền cho chồi hoa phát triển trong những tháng sau. Từ sau những cơn mưa cuối tháng ba sang tháng tư thì nhiệt độ trong không khí dao động có biên độ lớn , lúc thì mát , lúc oi bức . Giai đoạn nầy nấm hồng phát triển mạnh, cần thiết phải cắt tỉa bớt những cành có dấu hiệu bệnh, tạo thông thoáng cho cây , phun thuốc ngừa hoặc trị bệnh cho cây.
>>Hướng dẫn thay đất cho mai vàng dịp tết sau tết Nguyên Đán
3-Công việc tháng năm và tháng sáu (giai đọan tích luỹ ):
Tháng 5 và tháng 6 là giai đoạn cây tích luỹ chất dinh dưỡng nên phát triển rất mạnh. Đây là giai đoạn ổn định dáng thế cho cây. Tược non phát triển mạnh cần phải uốn nắn để tạo dáng cho mai hoặc bấm đọt để tạo tán cây theo ý muốn. Đây là giai đoạn tạo dáng tốt nhất cho cây, không nên để cành ra dài mới cắt làm mai bị mất sức , cành nào không muốn phát triển phải bấm đọt ngay để chất dinh dưỡng tập trung nuôi chồi khác .Nếu không là năm nhuần thì trong tháng 6 ta tạo dáng lần cuối cùng (năm nhuần có thể thực hiện trong tháng 7). Để chồi nách thành nụ hoa ta giảm hẳn phân đạm (chỉ dùng một lượng nhỏ để giữ cân đối dinh dưỡng cho cây), tốt nhất là không sử dụng phân vô cơ nữa . Để hình thành nụ tốt cần tăng lượng lân lên bằng cách bón phân hữu cơ (nếu dùng phân Dynamix lifter càng tốt) và trộn chung với phân lân vi sinh, nếu trồng trong chậu không sử dụng nhiều quá và phía trên phân vi sinh phải có một lớp đất mỏng để phân lân vi sinh phát huy tác dụng (trường hợp mai trồng ngoài đất thì sử dụng lượng cao hơn) Chú ý rằng đây là giai đoạn mưa tăng dần về lượng , thường xuyên kiểm tra nấm bệnh cho cây , tốt nhất nên phun thuốc ngừa nấm bệnh để phòng các bệnh cháy lá, rỉ sắt, thán thư, nấm hồng …bọ trĩ cũng còn phá hoại cây trong giai đoạn nầy (đã giảm nhiều so với các tháng trước) cũng cần để ý để phòng trị chúng.. Một số nụ hoa cũng hình thành từ tháng 6 âl. Nếu cây phát triển không cứng cáp lắm cần bổ sung thêm phân kali.
4-Công việc tháng bảy và tháng tám (giai đoạn phát triển nụ hoa ) :
Đây là giai đoạn phát triển nụ hoa của mai lại nhầm vào giai đoạn trời mưa dầm, lúc nào thân cây và lá cây cũng bị ướt nên nấm mốc, rêu dễ phát triển , đất trong chậu cũng ẫm ướt phải thường xuyên kiểm tra xem chậu có bị đọng nước không?, nếu thấy đất trong chậu thoát nước chậm hoặc đọng nước phải kiểm tra và thông lỗ thoát nước cho chậu. Phải có gắng giữ bộ lá cho cây để việc quang hợp được thuận lợi , nụ hoa phát triển hoàn chỉnh hơn. trường hợp để sâu rầy hoặc nấm lá phá họai một phần lá bị rụng đi và cây có thể trổ hoa khi trời giảm mưa. Chú ý từ tháng 7 trở đi (cao điểm tháng 8) nhện đỏ bắt đầu phát triển , đây là loại côn trùng tấn công phía trên lá từ bánh tẻ đến là già , lớp biểu bì mặt trên lá bị hư gây khó khăn cho việc quang hợp của cây . Kể từ rằm tháng 7 trở đi việc bấm đọt, tỉa cành đều phải ngưng hẳn . Chú ý kiểm tra thường xuyên vườn nếu thấy có hiện tượng sâu bệnh phải phun thuốc phòng trị ngay. Nếu không cần thiết thì không nên thay chậu trong những tháng mưa dầm . Kiểm tra chậu thường xuyên xem có bị bít lỗ làm nước đọng hay không nếu nước thoát chậm phải thông ngay lỗ thóat nước, nếu để nước đọng lâu một phần lông hút bị hư ngăn cản việc hấp thu nguồn dinh dưỡng của cây.
5-Công việc tháng chín và tháng mười (giai đoạn hình thành) :
Trong giai đoạn nầy vẫn cón mưa dầm vào đầu tháng 9 sau đó giảm dần đến cuối tháng 10 thì giảm hẳn , nụ hoa đã hình thành và sẳn sàng bung ra khi đủ điều kiện, vì vậy ncsm phải biết điều chỉnh bộ lá cho cây, tay nghề hơn thua nhau là ở giai đoạn nầy , nếu để mai ít lá quá thì có khả năng sẽ nở khi mưa giảm hẳn, để mai nhiều lá quá thì nụ hoa không phát triển tốt được và có lúc mai lại bung cành non nữa. Vì vậy việc điều chỉnh bộ lá cho mai rất cần thiết (phải dựa vào kinh nghiệm từng vùng). Nguyên tắc chung là không sử dụng phân có hàm lượng đạm cao trong giai đoạn nầy nhưng nếu bộ lá quá ít lại già quá thì phải dùng phân bón lá loại 20-20-10 phun để tạo thêm lá non kềm giữ sự phát triển nụ thành hoa . Trường hợp cây còn bộ lá xanh rợp ncsm phải biết xiết nước để một ít lá mai vàng và rụng đi giảm bớt bộ lá để nhựa nuôi chồi hoa. Việc nầy rất nguy hiễm nếu ta đánh giá không đúng làm lá rụng quá nhiều làm mai bung nếu không kinh nghiệm và không có thời gian theo dỏi khi xiết nước thì không nên làm . Trường hợp mưa giảm , trời nắng nhiều phải tưới cây ít nhất mỗi ngày một lần.
>>mai bị rỉ sắt trên cây mai vàng là gì? Cách cây mai bị bệnh rỉ sắt trên cây mai vàng và chữa trị
6-Công việc tháng mười một và tháng mười hai (giai đoạn hoàn chỉnh ) :
Chăm sóc tốt trong giai đoạn nầy quyết định cho chất lượng hoa Tết. Ta biết trong llúc nầy nụ hoa sẳn sàng bung nụ khi có điều kiện nhưng để hoa trổ đạt chất lượng hơn như : hoa lâu tàn hơn, màu tươi hơn, lượng hoa mỗi nụ nhiều hơn và hoa thơm hơn thì phải gia công thêm nữa vì thế việc bón thúc là cần thiết. Từ cuối tháng mười hoặc chậm nhất là đầu tháng mười một phải bón thúc cho mai. Việc bón thúc không sử dụng phân hữu cơ mà phải dùng phân vô cơ mới có tác dụng tốt. Để làm tăng chất lượng hoa ta bón cho mai phân lân và kali .Phân lân có thể rãi trên mặt đất mỗi cây khỏang 200 g hoặc pha nước tưới vào gần gốc mai (phân không tan hoàn toàn trong nước), phân kali thì pha 1 muỗng caphê nhỏ với 5 lít nước tưới lên đất gần gốc mai, chỉ cần tưới 2 lần cách nhau một tuần. Có người còn dùng phân bón lá loại thúc ra hoa để phun xịt (xin tìm hiểu kỹ tác dụng của phân), có thể phun từ 2 đến 3 lần, mỗi lần cách nhau ít nhất 7 ngày.. Đầu tháng 12 có thể bón thêm một ít phân Úc để giúp cây sau khi trỗ không mất sức nhiều và hoa ít rụng hơn. Cuối cùng ncsm phải “canh” để lảy lá , lá được lảy vào thời điểm nào phải do kinh nghiệm ncsm quyết định dựa vào diễn biến của thời tiết, phải dựa vào độ lớn nhỏ của chồi nụ, phải dưạ vào tán lá của cây ….(đã có rất nhiều tài liệu nói về vấn đề nây , xin không trình bày thêm). Sau khi lảy lá không cần phải tưới nhiều nữa nhưng không được để mai bị khô gốc. Hàng ngày quan sát diển biến của mỗi cây nhất là sự phát triển của nụ hoa để điều chỉnh nước tưới hoặc dùng các biện pháp khác để điều chỉnh cho nụ bung vỏ lụa vào ngày đưa Ống Táo.